September 2, 2016

Hậu phương vững chãi - Tiền tuyến xông pha

Ngồi code hoài cũng làm cho bản thân ngợp ngạt, loay hoay một hồi thì cũng có chuyện phải làm - viết bài blog chia sẻ cho vui. Cũng trùng hợp hay sự ngẫu nhiên gì đó, lang thang facebook thì thấy người bạn chia sẻ bài viết về người vợ dịu dàng sẽ giúp chồng thành công càng dữ dội, và thấy đề tài này hay nè, bàn bạc tí cho nó vui.

Dễ hình dung cho cái đề tài này mà, dân gian hay ví von một điều là vợ là hậu phương, còn chồng là tiền tuyến. Và lẽ dĩ nhiên, hậu phương vững chắc, thì tiền tuyến an tâm mà xông pha trận mạc, dám đương đầu sóng gió vì anh ta biết khi quay về nhà (hậu phương) thì anh ta sẽ được chăm lo, được khôi phục, là sẽ luôn tràn đầy năng lượng.

Nhưng, tôi là một coder, không phải nhà tâm lý học hay nhà phân tích thực trạng xã hội, tôi không dám mạnh miệng nói sảng trên vấn đề này. Vậy tôi lảm nhảm cái gì - tôi nói về hậu phương và tiền tuyền trong quá trình phát triển phần mềm.

Hậu phương và tiền tuyến - nhân vật nào đây?


Một trận chiến nào cũng vậy, muốn thắng phải có kẻ công, muốn không bị thua phải có người thủ. Trong quá trình phát triển phần mềm cũng vậy, những anh chàng coder chính là tiền tuyến đó thôi, vậy những cô nàng QC cũng chính là hậu phương đó. Sự cãi vã giữa 2 nhân vật này luôn luôn xảy ra, cũng giống như đời sống vợ chồng vậy đó. Nhưng nếu không có những anh chàng coder, chắc chắn không thể có sản phẩm, còn không có những cô nàng QC căng mắt dò lỗi thì cũng không có một sản phẩm chất lượng. Đó là một mối gắn kết, phải thừa nhận nhau chứ đừng tẩy chay nhau nữa.

Vậy tại sao cứ cãi nhau suốt thế. Vì anh chàng coder thì cứ cho rằng: "Ơ hay! cái con hâm! code tao siêu khủng làm gì có cái chuyện có bug mà mày cứ đỗ thừa, cái đó là của thằng kia kìa, nó mới vào nghề đó thím". Còn cô nàng QC: "Thằng dở hơi! mày code như bãi shit, quăng toàn lỗi đầy đầu tao rồi mày bảo là tao cứ báo đời mày, tao tìm thêm bug cho mày fix chết luôn"

Hãy là tiền tuyến hùng mạnh - can trường - thông minh

Một khi bạn còn là coder thì đừng mong là "code tui không bao giờ có lỗi" vì bởi 1 lẽ căn bản - coder là người - mà đã là người thì đừng mong không mắc sai lầm. Cho dù bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm, thì bạn vẫn là người, vẫn sẽ mắc sai phạm và thậm chí là sai phạm căn bản nữa kìa. Và hãy yên tâm đi, nếu thực sự bạn code mà không bao giờ ra lỗi thì nói thật là không cần bạn code nữa, mà người ta sẽ đưa bạn lên bàn thờ cung phụng rồi. Vì điều đó chỉ có thánh code thôi chứ người code thì không bao giờ được.

Góc nhìn của tôi là chúng ta không thể nào không có lỗi, tôi ngày trước từng làm việc với team QC, hầu như cũng bị mắng bug suốt ngày, suốt giờ chứ gì đâu. Nhưng khi bạn thừa nhận bug đó, sẽ đưa ra giải pháp sẽ xử lý thì mọi chuyện lại an vui. Tới giờ, bạn QC làm chung ngày nào với mình vẫn giữ liên lạc, dù là không còn chung một công ty. Mà nói thật ra, không QC, bạn có dám tự tin đẩy sản phẩm ra không. Trước sau gì cái bug của bạn cũng lòi ra thôi, nên thay vì cau có, khó chịu, hãy chấp nhận nó như một sự thật, và hãy cám ơn bạn QC, vì nhờ có bạn QC mà sản phẩm của bạn đẹp mặt với người dùng, với khách hàng. Không có QC, đời coder xem như mất một nửa.

Bên cạnh đó, hãy chứng minh là một anh chàng đầy dũng mãnh, là một chàng trai mà một cô gái nào cũng muốn lấy đó làm điểm tựa. Hãy tự mình chỉnh chu những "đời" code sau đó, để người bạn đồng hành với mình không cảm giác chán ngán. Và một khi người bạn này chán ngán rồi thì hậu quả bạn hiểu rồi đó, đám code bạn mà ngay cả QC còn không dám nhìn thì đừng mong lôi nó ra khoe cho ai cả.

Hãy là hậu phương vững chãi - kiên nhẫn - thông minh

Bạn đã chọn làm nghề QC, hẳn bạn phải chịu đựng rất nhiều áp lực từ những anh chàng nóng nảy, khô khan coder, có những lúc phải cau mày giận dữ la hét để nói về điều hiển nhiên sai của chàng, mà chàng cứ chối bay bảy lên. Nhưng bạn hiểu đó, đã làm sản phẩm thì chắc chắn là không bao giờ không có bug, mà bạn sinh ra là để tìm bug mà, nếu coder mà code không có bug gì hết thì đời này có cần gì tới bạn nữa không. Nên nếu không có coder, thì đời QC cũng như mất đi một nửa vậy.

Những gì coder xây lên thì được công nhận, nhưng những gì QC cố gắng thì lại không ai thừa nhận - đó cũng là điều mà đa số QC la làng khó chịu. Nhưng bạn hãy tự hào rằng, những công việc âm thầm luôn là những điều mà cả thế giới này mãi đi tìm, mãi soi sáng. Bạn có thấy điều gì đã rõ ràng rồi mà còn cần được tìm hiểu, săm soi nữa không. Nên hãy vui lên vì điều này. Những gì bạn đã làm sẽ được công nhận, sẽ được soi sáng. Cũng như câu: "khi mọi vật được đưa ra ánh sáng, tự nó sẽ phát sáng".

Hãy cùng nhau xây dựng "mái ấm"

Như nãy giờ có nói, dù ở khía cạnh nào, bạn cũng chỉ là một nửa, một nửa còn lại bạn phải nổ lực phối hợp cùng. Một sản phẩm hoàn chỉnh không thể nào chỉ do coder phát triển mà thiếu đi sự kiểm định của QC, cũng như QC sẽ không có gì để làm nếu coder không làm ra bug. Bạn có cáu tiết lên bỏ đi qua công ty khác làm, thì rồi bạn cũng cần phải phối hợp để mà làm việc thôi. Ở cái xã hội này rồi, việc phát triển độc lập là chuyện vô cùng không thể xảy ra nữa.

Điều mà mình muốn chia sẻ là, nếu bạn muốn sản phẩm tốt hơn, xây "mái ấm" bền hơn thì phải biết dung hòa nhau thôi. Hãy thử gạt bỏ cái khuyết điểm của đối phương, nhìn vào cái giá trị đằng sau của nó, để đặt động lực cho một mối quan hệ lâu dài. Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới dám xông pha được.

Bài viết được viết dựa trên quan điểm cá nhân, một người đã làm kỹ thuật được vài năm, một ông bố của đứa con nhỏ, nên có sự đan xen hòa quyện giữa tình và tiền (công việc) để bàn sự việc ở một góc độ khác.

No comments:

Post a Comment